Người Myanmar từ lâu đã có văn hóa uống cà phê, khi chế độ quân sự vẫn còn cầm quyền, cà phê đã từng được coi là đồ uống xa xỉ chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu và người nước ngoài. Sau này khi kinh tế mở cửa, nhờ sự du nhập của những quán cà phê mới đã đem đến cho người dân Myanmar một cái nhìn mới về đồ uống pha chế, mang đến nhiều cơ hội thưởng thức những tách cà phê thơm ngon không chỉ có những vị khách nước ngoài mà cho người dân địa phương. Đối với một số người, các quán cà phê không chỉ là nơi để uống một tách cà phê, đó còn là thời gian để họ ngồi tận hưởng không gian yên bình và tĩnh lặng hay vừa uống cà phê vừa làm việc.
Khoảng tháng 3/2016, thương hiệu Gloria Jean’s Coffees (Úc) đã mở cửa hàng đầu tiên tại Myanmar Plaza, khu phức hợp thương mại lớn được xây dựng bởi Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ở Yangon. Vào ngày thường, tiệm cà phê này luôn có khách là người địa phương làm việc cho các công ty nước ngoài trong cùng khu phức hợp văn phòng. Tờ Nikkei Asian Review dẫn lời một nhân viên cho biết trung bình mỗi ngày quán đón khoảng 100 khách và món thu hút nhất là cà phê chocolate giá 4.800 kyat (khoảng 90.000 đồng)/ly. Gloria Jean’s Coffees dự định sẽ mở khoảng 8 chi nhánh ở Myanmar thông qua Công ty Seezar Soesan, đối tác nhượng quyền thương hiệu địa phương.
Ngoài ra, còn có nhiều chuỗi cà phê nước ngoài cũng tiến vào thị trường Myanmar như hai hãng cà phê của Thái Lan là Black Canyon Coffee và True Coffee, nhờ vào số lượng ngày càng tăng của các khu thương mại phức hợp lớn mọc lên ở Yangon, thành phố lớn nhất của Myanmar trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, trà sữa Gong Cha và Chatime của Đài Loan cũng xuất hiện ở Myanmar đi cùng làn sóng xây dựng các khu phức hợp thương mại lớn tại nhiều thành phố. Theo Nikkei Asian Review, chuỗi The Coffee Bean & Tea Leaf của Mỹ dự định sẽ vào Myanmar thông qua một đối tác Thái Lan.
Dù giá trung bình của một ly cà phê “sang” ở Myanmar hiện nay đắt gấp 10 – 20 lần so với ở các quán cóc lề đường, nhưng loại hình này vẫn thu hút rất mạnh, đặc biệt là giới trẻ. Ngoài chất lượng và hương vị, nhiều người xem đây là biểu hiện cho lối sống mới thời mở cửa và nền kinh tế đang phát triển ngày càng mạnh.
Được biết, thu nhập bình quân đầu người (GDP) của Myanmar vào khoảng 1.200 USD, thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á cùng với Lào. Tuy nhiên, GDP ở thành phố Yangon đạt 2.000-3.000 USD, cho thấy khoảng cách giữa tầng lớp có thu nhập trung bình với tầng lớp trung lưu và thượng lưu của nước này đang ngày càng mở rộng.